Chia sẻ tại diễn đàn dệt may 2016 ở TP HCM ngày 29/6, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội bông sợi Việt Nam cho biết, ngành dệt may Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Nếu giai đoạn 2000-2013, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào dệt may chỉ đạt 8,2 tỷ USD thì 2 năm sau đó con số này tiếp tục tăng lên thêm 6 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong 2 năm gần đây, tỷ lệ vốn FDI vào dệt may tăng đội biến. Trong đó, các tên tuổi lớn đến từ Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm đa số, chủ động đón đầu các hiệp định thương mại mà Việt Nam sắp được ký kết.
Theo tính toán, khi Việt Nam được hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do FTA, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP, FTA Việt Nam - EU, FTA Hàn Quốc và thuế suất giảm mạnh thì xuất khẩu dệt may sẽ tăng gấp đôi vào 2025.
“Đến 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 5 triệu lao động trong ngành dệt may và tỷ trọng xuất khẩu sẽ cán mốc trên 50 tỷ USD, gấp đôi so với xuất khẩu 2015", ông Tuấn dự báo.
Dệt may Việt Nam xuất khẩu đang gặp khó. Ảnh: QH.
Tuy nhiên, để dệt may đạt được con số này, theo ông Tuấn không hề dễ. Bởi lẽ hiện nay công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn yếu. Ngành này đang vướng “nút thắt cổ chai” khi 80% nguyên liệu vải phụ thuộc vào Trung Quốc, hoạt động nhuộm còn nhỏ lẻ, kém phát triển, trình độ công nghệ, trang thiết bị thấp. Đáng chú ý, nhân sự có trình độ trong nhóm ngành dệt may còn thiếu.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng cho rằng, lao động trình độ cao ở các khâu thượng nguồn như vải, nhuộm đang rất thiếu. Những cán bộ có trình độ đại học về dệt may tương đối ít và hầu như rất ít sinh viên muốn theo học ngành này. Riêng hệ thống trường cao đẳng tại Việt Nam nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa đạt. Vì vậy, để có nguồn chất lượng tốt, doanh nghiệp cần kết hợp với nhà trường đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho ngành học này, đồng thời, xây dựng các khóa đào tạo phù hợp với nhu cầu.
Ở một khía cạnh khác, ông Cẩm cho biết, vì nguồn nhân lực thấp, chất lượng tay nghề chưa cao, vốn ít, nguyên liệu thiếu hụt..., doanh nghiệp Việt rất dễ rơi vào bẫy sản xuất với giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu chủ yếu từ Trung Quốc, Đài Loan nên sẽ gặp nhiều rào cản trong quy định xuất xứ về vải với VEFTA và sợi với TPP. Do vậy, ông Cẩm khuyên các doanh nghiệp hãy cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển những mảng mà ngành dệt may còn thiếu, đồng thời, tăng cường nâng cao chất lượng lao động để bắt kịp xu hướng trong thời gian tới. Nếu doanh nghiệp bắt nhịp sớm thì chắc chắn sẽ được hưởng nhiều ưu đãi sớm từ TPP, FTA…
Theo Tổng cục thống kê, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 10,7 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng thấp so với kỳ vọng đặt ra của ngành.
Mới đây, nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết đang gặp khó trong xuất khẩu, đơn hàng cho 6 tháng cuối năm 2016 giảm dần. Cùng với đó, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng dệt may lao dốc, mạnh nhất là sợi, trong khi đó, chi phí sản xuất (giá nhân công, điện nước, phí bảo hiểm…) liên tục tăng.
Nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải cạnh tranh rất khốc liệt với các đối thủ láng giềng như Lào, Campuchia, Bangladesh... Có khá nhiều khách hàng đã chuyển bớt đơn hàng sang Campuchia, Myanmar và Lào bởi các nước này có ưu đãi về thuế xuất hàng đi châu Âu và Mỹ, vốn là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam.
Cũng thừa nhận xuất khẩu đang gặp khó, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phong Phú cho biết, 6 tháng đầu năm tình hình xuất khẩu sợi của công ty giảm hơn so với cùng kỳ. Vì giá xuất hàng đi không được tốt nên công ty chỉ xuất với số lượng nhỏ và giữ lại nguyên liệu chuyển sang sản xuất thành phẩm để cung ứng ra thị trường. Đây là cách để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn khi giá sợi rớt mạnh.
Theo Vnexpress.