Tại buổi họp báo chiều 17/5 về Hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 2 diễn ra cùng ngày, trong phần trả lời báo chí, PV VTC News đã gửi đến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng câu hỏi về trường hợp của Thạc sỹ Phạm Gia Vinh, trưởng nhóm chế tạo “phi thuyền không gian”, Giám đốc công ty Đông Giang Việt Nam phải mang sản phẩm của mình ra nước ngoài để bay thử nghiệm.
Tốt nghiệp thạc sĩ, đạt kết quả xuất sắc tại Pháp, Phạm Gia Vinh được nhiều nơi ở Pháp và châu Âu mời về làm việc với mức lương hấp dẫn, nhưng anh đã từ chối và quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp ở tuổi 25.
Phạm Gia Vinh và thiết bị bay có trần bay gần 30 km do anh và các cộng sự nghiên cứu chế tạo.
Năm 2014, chiếc phi thuyền không gian đầu tiên được anh Phạm Gia Vinh cho ra đời đã làm chấn động dư luận và giới khoa học Việt. TS Vũ Quốc Huy, Phó trưởng Bộ môn Kỹ thuật Hàng không & Vũ trụ, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá đây sẽ là một bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong nghiên cứu khoa học hàng không vũ trụ.
“Hiện, Việt Nam chưa có các khí cụ bay dân sự có thể đạt đến trần bay 30km. Nếu có thể sản xuất các khí cụ bay không người lái ở độ cao trên 30km, khoa học Việt Nam sẽ có đột phá trong nghiên cứu an ninh, quốc phòng.
Về mặt kinh tế, nếu sản xuất được trong nước, thiết bị này chắc chắn sẽcó giá thành thấp hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Việt Nam nếu sở hữu được công trình này sẽ cạnh tranh được với nhiều nước có nền công nghệ hàng đầu thế giới” - TS Vũ Quốc Huy nói.
Sáng chế này được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hết sức quan tâm. Sau cuộc nói chuyện với thạc sỹ Vinh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ: Quốc phòng, Công an, Khoa học - Công nghệ, Giao thông Vận tải và các tỉnh thành khu vực dự kiến bay tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, phát triển bay trình diễn. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tổ chức đánh giá kết quả bay, nghiên cứu khả năng ứng dụng tại Việt Nam để báo cáo chính phủ.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm làm các thủ tục để được cấp phép bay thử nghiệm song chưa có kết quả, Phạm Gia Vinh đành phải liên kết với một công ty ở Singapore để sản xuất và tiến hành bay thử nghiệm.
Ngày 13/5/2015, 'phi thuyền' do Phạm Gia Vinh làm kiến trúc sư trưởng chế tạo đã mang thành công chuột vào không gian ở độ cao 29,5km trong cuộc thử nghiệm bay tại thành phố Hyderabad (Ấn Độ).
Sau gần 2 tiếng đồng hồ bay ở độ cao cận vũ trụ, phi thuyền mang theo 3 con chuột đã trở về trái đất an toàn trong niềm vui bất tận của nhóm nghiên cứu, chế tạo.
Ngày 16/5/2016, ‘phi thuyền’ tiếp tục thành công khi bay thử nghiệm tại Australia. Phạm Gia Vinh chia sẻ, trong năm 2017, Australia đã đồng ý để anh bay thử nghiệm lần 2, lần này có thể sẽ có người lái đưa thiết bị lên tầng bình lưu.
Tuy nhiên, anh tâm sự, mong muốn lớn nhất của mình là được bay thử nghiệm ở Việt Nam, chế tạo và sản xuất nó ngay trên quê hương.
Nhưng sau gần 2 năm mỏi mòn chờ đợi, anh đã phải ra nước ngoài để tìm hướng phát triển sản phẩm.
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: "Về trường hợp của kỹ sư Phạm Gia Vinh có sáng chế ra thiết bị bay và muốn xin giấy phép bay, Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành ở đây chưa nhận được đề xuất của anh Vinh.
Vấn đề này thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Quốc phòng, vì đây là thiết bị bay. Mục đích bay phục vụ cho nhiệm vụ như thế nào? Ví dụ như là khoa học, nghiên cứu… sau này có văn bản chính thức chúng tôi sẽ trao đổi với Bộ Quốc phòng và trả lời báo chí sau".
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: “Sáng chế của kỹ sư Vinh về việc thả khí cầu lên tầng bình lưu, cá nhân tôi rất ấn tượng. Với vai trò là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi ủng hộ tất cả những phát minh sáng chế của Việt Nam, và sẽ hỗ trợ nếu như ứng dụng được vào kinh tế, xã hội. Tôi chưa được nghe về việc kỹ sư Vinh đang xin giấy phép bay, câu chuyện này tôi chưa được nghe bao giờ. Nhưng bộ dưới góc độ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chúng tôi sẵn sàng tiếp xúc với anh Vinh để nghe xem anh có những vướng mắc gì và sẽ đề xuất với Chính phủ...".